24-08-2014 07:59
Sáng nay bà Lưu Thị Ninh ở xóm 3A, xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm, Hà Nội, cách Bệnh viện E khoảng 500 mét, phát hiện một ổ lúc nhúc bọ xít ở trong kho củi gia đình, nhiều con no máu. Các chuyên gia ước có khoảng 1.000 con bọ xít tại đây, nhiều gấp 4 lần ổ khổng lồ phát hiện 2 tuần trước.
Các chuyên gia Viện sinh thái lập tức đến nhà bà Ninh để bắt bọ xít. Song mất đến 4 tiếng đồng hồ mà mọi người vẫn không thể bắt được hết loài bọ sống bằng máu đang có trong kho củi chỉ rộng chừng 3m2.
Kho củi này chỉ cách cửa ra vào nhà hơn một mét và khá ẩm thấp, điều kiện lý tưởng để các loại côn trùng, sâu bọ có thể sinh sống mà không dễ bị phát hiện.
Bà Lưu Thị Ninh kể lại: "Trước đó nhiều người dân quanh xóm thi thoảng phát hiện vài con bọ xít bò trong nhà, nên chúng tôi quyết định tìm kiếm xem chúng từ đâu chui ra. Không ngờ, cuối cùng lại tìm thấy cả một ổ lớn tại kho chứa củi của gia đình tôi".
Ổ bọ xít này có đến hơn 500 cá thể trưởng thành, hầu hết đều có máu. Ảnh: N.T. |
Tiến sỹ Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng học Thực nghiệm, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật (Viện khoa học và công nghệ Việt Nam) cho biết, điều lạ là trong ổ có đến hơn 500 con trưởng thành, hầu hết đều có máu. "Có thể số lượng chuột ở đây rất nhiều mới có thể cung cấp máu cho hàng trăm con như vậy", Tiến sĩ Lam đoán.
Tuy nhiên, khi phá ổ bọ xít, các chuyên gia không hề thấy có chuột và cũng không phát hiện được một đường hào chuột chạy nào. Ngoài ra, ở đây nhà cửa được vệ sinh sạch sẽ, đường sá lát bêtông.
Chỉ mới 2 tuần trước, chỉ cách ổ bọ xít này khoảng 1 km cũng thuộc xã Cổ Nhuế, các chuyên gia tìm thấy một ổ 200 con bọ có cánh hút máu người này, khiến người dân hết sức hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, với số lượng khoảng 1.000 con, ổ bọ xít ở kho củi nhà bà Ninh đông đúc gấp 4 lần ổ khổng lồ phát hiện trước đó.
“Ổ bọ nhà bà Ninh rất to, lại nằm sát về nơi ở của người dân, gần khu Bệnh viện E, trong khi ổ trước đó nằm ở bên kia đường cao tốc Bắc Thăng Long, xa khu dân cư hơn. Về lý thuyết, đáng nhẽ ổ này sẽ phải ít cá thể hơn - vì ở gần dân nên khu vực thường được vệ sinh dọn dẹp kỹ - nhưng không ngờ số lượng bọ xít bắt được lại nhiều đến thế”, Tiến sĩ Lam cho biết.
Toàn bộ số củi, tấm ván ép tường được đem đi đốt ở bãi đất trống gần đó. Ảnh: N.T. |
Tiến sĩ Lam cũng cho biết, vì số lượng các thể trong tổ quá nhiều không thể diệt hết được nên phải phun thuốc, đốt toàn bộ số củi, tấm ván ép làm tường để tiêu diệt trứng và những con còn sót.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cấu trúc tổ, sự hình thành của tổ. Có vẻ như càng gần nơi người dân sinh sống thì bọ xít càng hình thành ổ to", Tiến sĩ Lam nói.
Kết quả nghiên cứu sơ bộ của Tiến sĩ Lam cùng các đồng nghiệp từ đầu năm đến nay đã phát hiện ký sinh trùng đường máu trong bọ xít hút máu người với mật độ dày đặc, tuy nhiên chưa xác định được ký sinh trùng trên thuộc loại gì và truyền bệnh gì.
Bản inNgười gửi / điện thoại
CÁC BÀI MỚI HƠN
CÁC BÀI CŨ HƠN